Aristoteles (tiếng Hy Lạp cổ đại: Ἀριστοτέλης [aristotélɛːs], Aristotélēs; phiên âm trong tiếng Việt là Aritxtốt; 384 – 322 TCN) là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế. Di bút của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luận lý học, tu từ học (rhetoric), ngôn ngữ học, Kinh tế học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học. Ông được xem là người đặt nền móng cho môn luận lý học, và được mệnh danh là "Cha đẻ của Khoa học chính trị". Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Cùng với Platon và Socrates, Aristoteles là một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại.
TIỂU SỬ
Sinh năm 384 B.C, tại Stagira, một thị trấn nhỏ bên bờ biển phía đông bắc vùng Thrace.
Cha là quan ngự y của vua Macedonia.
Say mê sinh vật học và khoa học từ nhỏ.
17 tuổi tới Athens học tại Academia của Plato. Chịu ảnh hưởng sâu xa tư tưởng và tính cách của Plato, tuy cuối cùng đã đoạn tuyệt với triết học của Plato để sáng lập triết học của mình trong một số vấn đề. Ông nặng nề phê bình lý thuyết các hình thức của Plato.
Sau này Aristotle được tiếp xúc với các chuyên gia về y học, nhân chủng học và khảo cổ học. Nhờ đó ông được tiếp xúc với vô số những sự kiện thực nghiệm hữu ích cho việc nghiên cứu và hình thành các khái niệm khoa học.
Aristotle hướng tư tưởng của mình vào thế giới động của biến đổi hóa thành, trong khi tư tưởng của Plato tập trung nhiều hơn vào thế giới tĩnh bất di dịch của cái hiện hữu phi thời gian.
Khi làm quốc sư cho thái tử Alexander, ông quan tâm thêm chính trị làm tiền đề cho việc so sánh các hiến pháp của 158 thành bang của Hi Lạp.
Sau đó quay lại Athens, mở trường Lyceum. Tại đây ông vừa giảng dạy vừa hình thành các ý niệm chính của mình về việc phân loại các ngành khoa học, mạnh dạn thiết lập khoa Luận Lý mới và viết ra các ý niệm tiến bộ về mọi lĩnh vực chính của triết học và khoa học.
Sau khi Alexander mất năm 323 B.C, người ta buộc tội ông là “vô đạo” nhưng ông tránh “cho người Athens khỏi phạm tội lần thứ hai chống lại triết học” nên bỏ trốn đi Chalcis và qua đời tại đây một năm sau do bệnh tiêu hóa kinh niên.
LUẬN LÝ HỌC CỦA ARISTOTLE
SIÊU HÌNH HỌC
Trong tác phẩm cùng tên ông tập trung khai triển một loại tri thức mà ông gọi là minh triết.
Tri thức có nhiều cấp bậc khác nhau.
+ Biết qua cảm giác: cho biết sự vật là gì
+ Biết qua suy nghĩ: cho biết nguyên nhân của các sự vật
Siêu hình học là khoa học vượt ra ngoài chủ đề của các khoa học khác và quan tâm đến “các nguyên lý và nguyên nhân đầu tiên” để từ đó khám phá ra các nguyên lý đầu tiên của các khoa học khác nhau.
1. Định nghĩa vấn đề của siêu hình học
Các khoa học khác đặt câu hỏi: Vật này vật kia như thế nào và tại sao?
Siêu hình học: là bất cứ một vật nào đó nghĩa là gì? hay tồn tại nghĩa là gì?
Vấn đề siêu hình học chính là nghiên cứu cái hiện hữu (thực thể: ousia tồn tại) cùng các nguyên lý và nguyên nhân của nó (nghĩa là các quá trình làm cho các thực thể trở nên hiệu hữu).
2. Thực thể là bản chất sơ đẳng của sự vật
Trí khôn tách rời một sự vật khỏi các phẩm chất của nó và tập trung vào các sự vật thật sự là gì, vào bản chất cốt yếu của nó, cái mà các phẩm chất gắn vào.
Những đặc điểm riêng (phạm trù1, vị từ) cũng tồn tại nhưng không phải là trọng tâm của siêu hình học.
Cái gì làm cho một thực thể là một thực thể, cái gì là nền của nó, vật chất hay hình thức?
3. Vật chất và hình thức
- Thực thể là sự tổ hợp của vật chất và hình thức2.
- Giả định rằng các hình thức phổ quát tồn tại riêng biệt thì được mục đích gì? Nếu các hình thức là bất di dịch thì chúng không thể cho biết về các sự vật đầy sự chuyển động. Nếu chúng là phi vật chất, thì chúng không thể giải thích được những sự vật tạo các ấn tượng cảm giác nơi chúng ta.
- Các hình thức phi vật chất tương quan với một vật cụ thể như thế nào? Nói chúng là những hình mẫu và các sự vật khác tham dự vào chúng hay chia sẻ các hình mẫu đó thì chỉ là sử dụng những từ trống rỗng và những ẩn dụ thi ca mà thôi.
- Không bao giờ chúng ta gặp một vật chất sơ đẳng không hình thù, nghĩa là vật chất không có hình thức. Việc nó trở thành cái khác lại là chuyện khác.
- Vấn đề nảy sinh là, làm cách nào một sự vật trở thành một sự vật khác? Hay bản chất của thay đổi là gì?
4. Quá trình thay đổi: Bốn nguyên nhân
- Các sự vật không ngừng thay đổi, có thể là chuyển động, tăng trưởng, thối rữa, sinh sản và hư hoại. Một số những thay đổi là tự nhiên và một số là do con người tạo ra.
- Thay đổi luôn kéo theo một hình thức mới. Có thể hỏi 4 câu hỏi căn bản nhất liên quan đến quá trình thay đổi này: 1) Sự vật là gì?, 2) Nó được làm bằng gì, 3) Nó được làm ra bởi cái gì?, 4) Nó được làm vì mục đích gì?
- Đây được coi là 4 nguyên nhân hay sự giải thích về sự vật: nguyên nhân hình thức, nguyên nhân vật liệu, nguyên nhân tác thành và nguyên nhân mục đích.
- Mục đích ở đây được hiểu là những cách thức hoạt động nội tại nơi sự vật hướng về một điều gì đó.
5. Tiềm tính và hiện tính
- Mọi sự chuyển động đều hướng đến một mục đích nào đó. Trong mọi vật đều có một cái mục đích: cái tự mục đích hay hiện tính hoàn chỉnh (entelechy).
- Mọi vật đều có tiềm năng hay tiềm tính trở thành một vật khác. Vật khác này chính là hiện thể của vật trước đó. Mặc dù một cái gì đó hiện thực xuất hiện từ cái tiềm tính, nhưng không thể có sự thay đổi từ các tiềm tàng sang cái hiện thực nếu trước tiên không có một cái gì hiện thực. Ví dụ một đứa trẻ có khả năng trở thành một người trưởng thành, nhưng trước tiên phải có một người trưởng thành trong hiện tính.
- Điều này dẫn đến một cấp độ hiện hữu cao nhất là hiện tính thuần túy không có chút tiềm tính nào cả.
- Mọi sự vật đều có khả năng biến đổi nhưng chúng phải được tác động bởi một cái gì đó hiện đang chuyển động. Vì thế Aristotle nói đến một Động cơ khởi thủy (không có cái gì khác tác động lên nó).
6. Động cơ khởi thủy
- Không có nghĩa là cái chuyển động đầu tiên vì không có thời gian bắt đầu cho chuyển động.
- Nó cũng không được coi là tạo hóa.
- Động cơ này không phải là một nguyên nhân tác thành theo nghĩa tác động một lực hay sức mạnh hay thể hiện một ý muốn. Những hành động như thế sẽ ngụ ý tiềm tính.
- Động cơ khởi thủy không biết gì cả, nó chỉ là cách để giải thích sự chuyển động. Do đó nó biểu hiện cho nguyên lý vĩnh cữu của chuyển động vì ở đây không có tiềm tính. Vì vậy không thể có thời gian mà sự vật không có chuyển động. Vì vậy Aristotle bác bỏ khái niệm về sự tạo dựng trong thời gian.
- Để giải thích làm sao Động cơ khởi thủy có thể tạo ra chuyển động, ông so sánhnó với một người được yêu tác động đến người yêu bằng cách biến mình thành đối tượng được yêu, bằng sức thu hút chứ không phải bằng sức lực.
- Động cơ khởi thủy như là hình thức và thế giới như là thực thể. Ông coi nó như là nguyên nhân mục đích, bằng cách hướng chuyển động tới một cái đích tự nhiên cuối cùng, tức là cái đích cố định hay thích hợp. Vì là nguyên nhân mục đích, nó cũng trở thành nguyên nhân tác thành của thế giới qua sức thu hút, qua việc được khao khát và được yêu, qua việc khêu gợi nỗ lực hướng tới các mục đích tự nhiên, một quá trình diễn ra vĩnh cửu.
- Động cơ khởi thủy là nguyên lý vô thức của chuyển động và là một hình thức nội tại của thế giới.
ĐỊA VỊ CON NGƯỜI: VẬT LÝ HỌC, SINH HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC
1. Vật lý học
- Giới hạn việc nghiên cứu về việc các sự vật xuất hiện như thế nào trong thế giới tự nhiên.
- Không hề có vật chất khởi thủy tồn tại một mình ở đâu cả. Có một số vật liệu từ đó thiên nhiên làm nên các sự vật và ông gọi các sự vật này là các chất thể đơn giản: khí, lửa, đất và nước.
- Sự vật thay đổi là nói các chất thể này biến đổi không ngừng thành các sự vật nhờ vào nguyên lý chuyển động nội tại của chúng và nhờ sự chuyển động của các sự vật khác nhau.
2. Sinh học
- Cái gì tạo sự sống cho một số loại vật cụ thể? Aristotle giải thích sự biến đổi từ các vật thể vô cơ sang hữu cơ bằng cách tìm hiểu bản chất của hồn.
- Sự sống chính là “tự nuôi sống và lớn lên”(với sự hủy diệt tương ứng).
- Thực thể vật chất chỉ được coi là có sự sống trong tiềm tính. Vì vật chất luôn luôn là tiềm tính, còn hình thức mới là hiện tính. Vì tiềm tính bắt nguồn từ hiện tính nên một vật thể đang thực sự sống thì sự sống của nó phải bắt nguồn từ hiện tính, tức là hình thức.
- Hồn là hình thức của một vật thể hữu cơ. Cả hai không thể tồn tại thiếu nhau nhưng không đồng nhất.
- Hồn là cấp độ hiện tính đầu tiên của một vật thể tự nhiên có cơ cấu. Hồn tồn tại khi có một loại vật thể cụ thể nào đó có năng lực nội tại để tự làm cho mình chuyển động và ngưng nghỉ.
- Có ba loại hồn diễn tả ba cách tổ chức khác nhau của một cơ thể: thảo hồn, giác hồn và linh hồn. Loại thứ nhất chỉ có khả năng sống đơn thuần, loại thứ hai là sống và cảm giác, loại thứ ba gồm sống, cảm giác và tư duy.
3. Tâm lý học
- Thảo hồn có khả năng thu nhận vật chất nhưng không có khả năng thu nhận hình thức.
- Giác hồn ngược lại có khả năng thu nhận phẩm chất và hình thức mà không hấp thu vật chất của sự vật.
- Các giác quan phải có khả năng cảm giác nhiều hình thức khác nhau. Nhưng nó cũng có thể sai lầm. Các phẩm chất được cảm giác có thể vẫn còn tồn tại cả khi chúng ta không còn trực tiếp tri giác về sự vật. Đó là việc sử dụng trí nhớ và tưởng tượng. Từ hai khả năng này phát sinh hình thức cao hơn của hồn, đó là hồn lý tính hay linh hồn.
4. Lý tính của con người
- Linh hồn của con người bao gồm tất cả các dạng thấp hơn của hồn. Hồn lý tính có khả năng phân tích, hiểu các mối tương quan giữa các sự vật với nhau và có khả năng suy tính. Nhờ đó trí khôn có thể khám phá ra chân lý trong các sự vật tự nhiên và khám phá những quy luật hướng dẫn hành vi con người.
- Khi thân xác chết đi, thì hồn là nguyên lý tổ chức của thân xác cũng chết theo.
- Cũng giống như giác hồn, linh hồn con người có tính tiềm năng.
- Lý trí chỉ có tri thức trong tiềm năng, nó phải suy luận để rút ra những kết luận của nó. Vì trí khôn có thể vừa đạt tới tri thức và không đạt tới tri thức. Chân lý không bao giờ hiện diện liên tục trong trí khôn con người.
- Tính liên tục của chân lý đơcj bao hàm trong tính liên tục của thể giới. Vì vậy, những gì là tri thức tiềm tính trong trí khôn con người phải là tri thức hoàn hảo và liên tục trong một trí khôn nào đó.
- Động cơ đầu tiên là hiện tính thuần túy nghĩa là trí khôn hoàn toàn hòa hợp với chân lý về toàn thể thực tại. Toàn thể hệ thống các hình thức hiểu như là cơ cấu duy lý của mọi sự vật phải tạo thành nhận thức liên tục của hồn (nous) thế giới, tức là động cơ đầu tiên, trí tuệ hoạt động. Trí tuệ này bất tử và trí khôn thụ động và tiềm tính của chúng ta biết được chân lý nào thì đều là nhờ chân lý này đã có trong Trí tuệ hoạt động, vì trí tuệ hoạt động luôn luôn biết. Cái bất tử khi chúng ta chết là cái thuộc về trí tuệ hoạt động, nhưng nó không là thành phần của chúng ta.
ĐẠO ĐỨC HỌC
- Học thuyết đạo đức của ông xoay quanh niềm tin: giống như mọi vật khác trong tự nhiên, con người có một “mục đích” đặc trưng phải đạt tới hay một chức năng phải hoàn thành.
- “mọi hành động và mọi sự theo đuổi, đều được nghĩ là nhắm tới một cái thiện nào đó”. Nguyên lý về cái thiện được ghi tạc trong lòng mỗi người. Nguyên lý này có thể biết được nhờ việc nghiên cứu bản chất cốt yếu của loài người và có thể đạt tới qua hành vi thường ngày.
- Những ý niệm về cái đúng cái sai “chỉ tồn tại theo qui ước chứ không nằm trong chính bản chất của sự vật.”
1. Các loại “Mục đích”
- Mục đích công cụ: các hành vi được dùng làm phương tiện để đạt đến các mục đích khác.
- Mục đích nội tại: các hành vi được làm vì chính chúng.
- Tất cả các loại mục đích đều phải nhắm đến mục đích cuối cùng của sự vật. Đó “phải là cái tốt.”
- Cái tốt phải liên hệ đến chức năng của con người và chính sự vật. Hoàn thành chức năng tốt chưa chắc là sự vật tốt.
- Để khám phá ra điều tốt thì phải khám phá ra chức năng đặc trưng của sự vật và con người. Người tốt là người hoàn thành chức năng của mình như một con người.
2. Chức năng của con người
- Con người có một chức năng suy nghĩ riêng ngoài chức năng nuôi sống và cảm nhận.
- Linh hồn là hình thức của thân xác. Như thế có nghĩa linh hồn chỉ toàn bộ con người. Linh hồn có hai phần, phần phi lý tính và phần lý tính. Phần phi lý tính lại gồm hai phần, phần thực vật và phần dục vọng. Phần phi lý tính đi ngược với phần lý tính.
- Đạo đức bao hàm hành động, vì không có gì gọi là tốt nếu không có hành động. Loại hoạt động đặc thù ở đây chính là việc lý trí kiểm soát và hướng dẫn các phần phi lý tính.
- Người tốt là người có toàn thể đời sống tốt trong suốt cuộc sống của họ.
3. Hạnh phúc là mục đích
- Để là mục đích cuối cùng, một hành vi phải tự mình đầy đủ và là cuối cùng, nghĩa là một hành vi luôn luôn được ước muốn vì chính nó và không bao giờ vì một cái gì khác, và phải có thể đạt được bởi con người.
- Aristotle nghĩ đó là hạnh phúc. Hạnh phúc là một từ hay tên khác để chỉ về cái thiện. Hạnh phúc là một hoạt động của linh hồn theo đường lối của sự tuyệt hảo hay đức hạnh.
- Qui luật đạo đức chung là phải hành động theo lý trí ngay thẳng. Nghĩa là nó phải kiểm soát phần phi lý tính.
- Bản chất và cơ cấu hoạt động của phân phi lý tính : Nó bị chi phối bởi những sự vật bên ngoài. Có hai phản ứng xuất hiện qua những tác động này. Đó là yêu và ghét hay tham dục và nộ dục. Tham dục là lôi kéo sự ham muốn. Nộ dục thúc đẩy việc tránh hay tiêu diệt. Tự những phản ứng này không có một nguyên tắc đánh giá hay chọn lựa nào. Vì thế nó cần phải được kiểm soát bởi phần lý trí.
- Không có đức hạnh nào tự nảy sinh vì không có gì tồn tại tự bản chất có thể tạo một tập quán ngược lại với bản chất của nó.
- Đạo đức học bao gồm việc phát triển các tập quán nghĩ đúng, chọn đúng và hành động đúng.
4. Đức hạnh là “trung dung"
- Vì các đam mê có khả năng đưa đến đủ mọi hành động, từ quá ít đến quá nhiều, nên người ta cần phải tìm ra ý nghĩa thật của cái thái quá và cái bất cập để từ đó khám phá ra sự trung dung thích hợp.
- Sự trung dung không giống nhau cho từng người, cũng không có sự trung dung cho mọi hành vi. Mỗi sự trung dung đều tương quan với mỗi người tùy theo sự thay đổi của hoàn cảnh.
- Một số hành vi không có mức độ trung dung nào cả vì tự bản chất nó là xấu.
- Đức hạnh là một thói quen chọn lựa phù hợp với một sự trung dung.
5. Suy tính và chọn lựa
- Có hai loại suy luận:
+ Suy luận lý thuyết : cho chúng ta tri thức về các nguyên lý cố định hay sự khôn ngoan triết học.
+ Suy luận thực tiễn : cho chúng ta sự hướng dẫn của lý trí để hành động trong những hoàn cảnh cụ thể hay sự khôn ngoan thực tiễn.
- Cái thiện có trong chúng ta ở trong tình trạng tiềm tính. Chúng ta phải đưa những gì là tiềm tính thành hiện tính nhờ ý thức về điều phải làm, suy tính rồi chọn lựa thực hiện nó trong thực tế.
- nguồn gốc của hành động đạo đức là sự chọn lựa. Nguồn gốc của sự chọn lựa là ước muốn và suy luận nhằm đạt tới một mục đích.
- Đạo đức và chọn lựa đạo đức đòi hỏi trách nhiệm của con người. Một chọn lựa đích thực phải là chọn lựa cố ý. Khen và chê phải dựa trên hành động cố ý.
- Các hành vi vô tình là các hành vi của một người không chịu trách nhiệm về chúng vì chúng được làm :
+ Do không biết một số hoàn cảnh cụ thể.
+ Do có sự cưỡng bức từ bên ngoài.
+ Để tránh một cái xấu lớn hơn.
6. Các đức hạnh
- Bản tính con người bao gồm ba loại hồn. Con người đạo đức sử dụng tất cả khả năng của mình, thể chất và tinh thần.
- Tương ứng với hai sự phân loại lớn này nơi con người là hai chức năng của lý trí : chức năng trí tuệ và luân lý. Mỗi chức năng có đức hạnh riêng.
+ Đức hạnh trí tuệ : là sự khôn ngoan triết học và sự hiểu biết, chúng phát sinh và tăng trưởng nhờ dạy dỗ và học tập.
+ Đức hạnh luân lý : phát sinh do tập quán (ethos : tập quán). Chúng phải được học và thực hành. Các đức hạnh luân lý cốt yếu là : can đảm, tiết độ, công bằng và khôn ngoan. Ngoài ra có các đức hạnh cao thượng, hào phóng, bằng hữu và tự trọng.
- Sự khôn ngoan triết học thì cao hơn sự không ngoan thực hành, và sự chiêm nghiệm có khả năng dẫn tới hạnh phúc.
7. Sự chiêm nghiệm
- Hạnh phúc là hành động theo bản tính cao nhất và đó là hoạt động chiêm nghiệm. Có thể chiêm nghiệm liên tục chân lý hơn là chiêm nghiệm các sự vật nào khác.
- Hoạt động khôn ngoan triết học là hành động thú vị nhất trong các hoạt động đức hạnh.
CHÍNH TRỊ HỌC
- Không những loài người tự bản tính sinh ra để sống trong một nhà nước, mà nhà nước, như mọi cộng đồng nào khác, "được thiết lập để đạt một cái thiện nào đó, » tồn tại vì một mục đích nào đó.
- Gia đình tồn tại trước hết là duy trì sự sống. Nhưng về lâu dài gia đình và làng xóm không thể đáp ứng đủ các nhu cầu cho chính mình nên nhà nước xuất hiện.
- Chức năng của nhà nước là đảm bảo lợi ích tối thượng của loài người, đó là đời sống đạo đức và trí tuệ.
- Mọi lý thuyết thực tiễn về nhà nước phải lưu ý đến :
+ Loại chính quyền nào thích hợp cho những nhà nước đặc thù nào …
+ Nhà làm luật phải biết rõ « cái gì là tốt nhất liên quan đến các hoàn cảnh khác nhau …
+ Các cây viết chính trị tuy có nhiều ý niệm tuyệt vời nhưng thường thiếu thực tiễn.
+ Chế độ công hữu sẽ giết chết một số thú vui của con người cũng như sinh ra sự kém hiệu quả và những cuộc tranh chấp vô tận.
1. Các loại nhà nước
- Có 2 loại nhà nước :
+ Chính quyền chân chính : quân chủ, quí tộc, và tổ chức nhà nước. Tốt khi nó cai trị vì lợi ích chung của toàn dân.
+ Chính quyền suy đồi : chuyên quyền, đầu sỏ, và dân chủ. Xấu khi người cai trị chỉ tìm lợi ích hay sở thích riêng của mình.
- Việc cai trị nên do những cá nhân hay nhóm xuất xắc có trình độ và tài năng và của cải để họ có trách nhiệm và năng lực lãnh đạo.
2. Sự khác biệt và bất bình đẳng
- Vì ông quá dựa vào sự quan sát, nên đã mắc phải những sai lầm.
+ Coi chế độ nô lệ là sản phẩm của tự nhiên.
+ Phân biệt nô lệ tự bản chất và nô lệ do chiến tranh.
- Việc sử dụng quyền lực có thể chính đáng hoặc không.
- Nên luôn luôn sẵn sàng trả tự do cho nô lệ vì sự phục vụ của họ.
- Công dân có quyền và nghĩa vụ tham gia việc điều hành công lý. Họ phải có thời giờ và có tính cách thích hợp. Vì thế người lao động không thích hợp.
3. Chính quyền tốt và cách mạng
- Chính quyền nào cũng dựa trên những quan niệm về công bằng và sự bình đẳng tương đối. Những khái niệm công bằng này có thể gây ra những bất đồng và dẫn đến cách mạng.
+ Chế độ dân chủ phát sinh dựa trên giả thiết : những người bình đẳng về một phương diện nào đó thì bình đẳng về mọi phương diện.
+ Chế độ đầu sỏ : Những người bất bình đẳng về một phương diện nào đó thì bất bình đẳng về mọi phương diện.
- Mỗi loại chính quyền cần có sự đề phòng :
+ vua thì tránh những hành động độc tài.
+ Chế độ quý tộc thì tránh việc cai trị của một thiểu số những người giàu vì lợi ích của giai cấp giàu có.
+ Chế độ nhà nước phải dành nhiều cơ hội cho những thành viên có khả năng hơn tham gia chính quyền.
+ Cảnh giác trước những sự thay đổi mới bắt đầu xuất hiện.
+ Cố gắng duy trì tinh thần tuân phục lề luật.
Đăng nhận xét